HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ÁP DỤNG QUY TRÌNH VIETGAP TẠI LONG AN

Ngày 28/9 tại Khách sạn tổng Liên đoàn lao động tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An đã tổ chức hội nghị: “Triển khai chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Tham dự Hội nghị có sự  tham dự và chủ trì của bà Đinh Thị Phương Khanh – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Hoàng Huy – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Uỷ Viên Ban Chỉ Đạo VietGAP trung ương ông Hoàng Bá Nghị; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP. Tân An, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND các xã có tham gia Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao. Đặc biệt có sự tham gia của các Hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Ảnh: Bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An khai mạc hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Chi cục  Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản triển khai các nội dung của Quyết định số  20/2016/QĐ-UBND ngày 26/4/2016 của UBND tỉnh Long An ban hành Quy định chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An; Quyết định số 3167/QĐ-UBND ngày 01/8/2016 của UBND tỉnh Long An về công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực nông nghiệp  thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An.

Theo đó, Quyết định 20/2016/QĐ-UBND quy định những chính sách hỗ trợ với cơ sở đăng ký áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (áp dụng quy trình VietGAP) gồm: Hỗ trợ 100% kinh phí để phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí khi thực hiện quy trình VietGAP; Hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện, xử lý chất thải,.. phù hợp với yêu cầu áp dụng VietGAP theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt, mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/01 dự án; Hỗ trợ một lần 100% kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở áp dụng quy trình VietGAP, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở; Hỗ trợ một lần không quá 50% chi phí đầu tư dụng cụ, trang thiết bị sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/cơ sở; Hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP; Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, Hội nghị còn được nghe triển khai các nội dung của Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 07/7/2016 của UBND tỉnh Long An về Quy định chính sách ưu đãi, mức hỗ trợ khuyến phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định thẩm quyền, trình tự công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Đại diện phía Tổ chức chứng nhận NHO-QSCert, ông Hoàng Bá Nghị là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hỗ trợ các tỉnh trong việc áp dụng VietGAP, các mô hình liên kết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn, những thuận lợi khi triển khai áp dụng thực tế ở các tỉnh để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm không bị lặp lại, đồng thời cũng đưa ra các biện pháp hữu hiệu khác để quyết định này khi triển khai sẽ có hiệu quả và đi vào thực tế nhu cầu của người nông dân.

Ảnh: Ông Hoàng Bá Nghị, đại diện tổ chức NHO chia sẻ kinh nghiệm về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng VietGAP

Đồng thời cũng trong hội nghị, ông Hoàng Bá Nghị cũng đã trình bày tổng quan về mô hình sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của VietGAP và nêu lên những bất cập trong phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhất là trong bối cảnh Quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ban hành.

Ảnh: Ông Hoàng Bá Nghị, đại diện tổ chức NHO-QSCert giới thiệu các yêu cầu chính của VietGAP

Sau phần trình bày của mình đại diện Tổ chức chứng nhận NHO, ông Hoàng Bá Nghị đã có những trao đổi và thảo luận với các đại diện các Hợp tác xã, nông hộ xung quanh nội dung áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP.

Ảnh: Ông Hoàng Bá Nghị giải đáp các thắc mắc cho các đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Đinh Thị Phương Khanh – PGĐ Sở NN và PTNT nhấn mạnh về những yêu cầu gắt gao trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của thị trường  trong thời gian tới nhằm  hướng đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Từ đó nêu sự cần thiết của việt thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp (VietGAP), đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và ứng dụng công nghệ khoa học vào nông nghiệp…, từng bước tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn,  khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tổ chức NHO-QSCert là ai?

Chúng tôi, Tổ chức chứng nhận NHO-QSCert với hơn 12 địa điểm văn phòng, chi nhánh, trung tâm kiểm nghiệm trên cả nước, Ấn Độ và các nước ASEAN là một trong những tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, trang trại các hoạt động:

- Hoạt động chứng nhận: Được chỉ định của các tổ chức quốc tế về việc đánh giá chứng nhận GlobalGAP, Rainforest, các tiêu chuẩn Organic – Nông Nghiệp hữu cơ của Mỹ, Canada, EU, IFOAM, Hàn Quốc… Được chỉ định của Bộ KH và CN về việc đánh giá các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như: ISO9001, ISO14001, ISO22000, HACCP, GMP… Được chỉ định của Bộ Nông Nghiệp về việc đánh giá và chứng nhận VietGAP chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy ngành nông nghiệp bao gồm 57 qui chuẩn. 

 - Hoạt động kiểm nghiệm: Trung tâm Kiểm Nghiệm CTU-MekongLAB đã đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, các thiết bị hiện đại, công nghệ cao của Mỹ, Nhật và đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế ISO17025, được chỉ định là Phòng Thử Nghiệm chất lượng nông lâm thủy sản thực phẩm của Bộ NN và PTNT, được công nhận năng lực Phòng Thử Nghiệm của Bộ Khoa Học và Công Nghệ, có thể phân tích và kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa học, sinh học trên các nền mẫu nông sản, lương thực, rau quả, thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi,phân bón, mẫu môi trường như đất, nước, không khí… 

- Hoạt động giám định: Cung cấp dịch vụ giám định hàng hóa thương mại, giám định công xuất hàng, giám định tại nhà máy cho lĩnh vực thủy sản, nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu. 

- Hoạt động đào tạo: Hàng năm tổ chức trên dưới 200 các khóa đào tạo tập trung ngắn hạn khác nhau từ các khóa đào tạo cơ bản như nhận thức đến các khóa đào tạo nâng cao như: chuyên viên tư vấn, chuyên gia đánh giá, giảng viên của các tiêu chuẩn quốc tế.

Tham khảo thêm tại:

http://nongthonmoi.longan.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/DispForm.aspx?ID=722&InitialTabId=Ribbon.Read